- Những năm đầu(1960-1965): vừa giảng dạy vừa học tập, lao động kiến thiết trường lớp. Trong giai đoạn đâu trường giành được những thành tích xuất sắc toàn diện về các mặt.
- Trong những năm chiến tranh chống Mỹ(1965-1973): trường sơ tán về Tiên Lãng - nhận nhiệm vụ đào tạo học sinh có năng khiếu. Trường đã được công nhận là điển hình tiên tiến trong bậc học phổ thông.
- Từ sau chiến tranh(1973-1986): trường đã vượt qua nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, tiếp tục giữ vững và phát huy những thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua: Hai tốt "Dạy tốt - Học tốt". Đạt nhiều giải học sinh giỏi quốc tế và quốc gia. Năm 1986 hệ chuyên chuyển về trường Năng khiếu Trần Phú - HP .
- Từ năm 1986 đến nay: trường bước vào thời kỳ đổi mới, các thế hệ thầy và trò nỗ lực phấn đấu vươn lên và không ngừng sáng tạo, kiên trì theo con đường giáo dục của Đảng, góp phần thực hiện tốt mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Trường liên tục đạt đơn vị tiên tiến xuất sắc - đơn vị dẫn đầu các chỉ tiêu thi đua của bậc THPT thành phố Hải Phòng.
Trường cấp III Thái Phiên - đứa con đầu lòng của ngành giáo dục Hải Phòng thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội
Cuối những năm 50, sự nghiệp khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; cải tạo Xã hội chủ nghĩa và bước đầu phát triển kinh tế, văn hoá của Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng đã dành được những thắng lợi tương đối toàn diện. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Chính Phủ, cả thành phố trở thành một công trường lớn xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của xã hội chủ nghĩa. Nhiều nhà máy, xí nghiệp đã và đang được tập trung xây dựng. Sự nghiệp giáo dục đạt tiến bộ vượt bậc. Bước vào năm học 1959 - 1960, toàn thành phố đã có 195 trường cấp I, 26 trường cấp II. Số lượng học sinh cấp II đã lên tới 9931 em. Thực tế tình hình đó đã đặt ra những yêu cầu mới là: công cuộc xây dựng và bảo vệ thành phố đòi hỏi lớp người có trình độ văn hoá cấp III để đủ sức làm chủ các nhà máy, xí nghiệp, công trường đã và đang được xây dựng. Nhu cầu theo học cấp III của con em Hải Phòng lúc này, nhất là con em đội ngũ công nhân lao động cũng được đặt ra một cách trực tiếp. Trong khi đó, kết thúc năm học 1958 - 1959, Hải Phòng mới chỉ có một trường cấp III (Trường THPT Ngô Quyền) với số lớp và số học sinh còn hạn chế. Nhận thức rơ yêu cầu này, Thành Uỷ, Uỷ ban hành chính thành phố đã quyết định thành lập trường cấp III Thái Phiên, dồn sức chỉ đạo công tác chuẩn bị mọi mặt đảm bảo cho trường khai giảng năm học đầu tiên vào niên khoá 1960 -1961.
Thực hiện quyết định của Uỷ ban hành chính thành phố, từ năm 1959 đến trước ngày khai giảng năm học đầu tiên, cả thành phố đã khẩn trương hoàn thành một khối lượng công việc to lớn.
Địa điểm chọn làm nơi xây dựng trường là một khu đất rộng thuộc khu phố Cầu Tre (từ năm 1961 là tiểu khu Cầu Tre thuộc khu phố Ngô Quyền). Nơi đây lúc này còn là vùng ven nội thành hẻo lánh, xa trung tâm thành phố, mặt đất sì lầy, gò đống ngổn ngang. Với quyết tâm xây dựng cơ sở vật chất trường sở, thành phố đã đầu tư kinh phí xây dựng kịp thời. Đồng thời, hàng tuần đông đảo giáo viên, học sinh các trườn nội thành luân phiên nhau đến lao dộng xã hội chủ nghĩa, đóng góp công sức xây dựng trường. Sức lao động của con người đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Hàng loạt gò đống được san phẳng, bãi sình lầy được cải tạo. Các khu lớp học cao 2 tầng, 3 tầng được xây dựng.... Cơ sở vật chất của một ngôi trường mới hàng ngày, hàng tuần hiện ra kết tinh biết bao mồ hôi, công sức đóng góp của giáo viên, học sinh và nhân dân thành phố....
Cùng với việc tập trung xây dựng trường sở, đội ngũ giáo viên đầu tiên của trường đuợc tuyển chọn từ nhiều trường trong thành phố. Đó là những thầy giáo, cô giáo có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao trước nhiệm vụ, dẫu biết rằng sự nghiệp giáo dục ở một ngôi trường mới có rất nhiều khó khăn, vất vả. Lớp học sinh đầu tiên của trường được tập hợp từ Trường dân lập Phan Chu Trinh và tuyển thêm đầu năm học mới. Phấn khởi trước chủ trương, quyết định đùng đắn của lãnh đạo thành phố, thầy trò nhà trường đã dồng sức chuẩn bị cho khai giảng năm học mới....
Với quyết tâm cao, nên bước vào năm học 1960 - 1961, mặc dầu khu vực trường mới chưa hoàn tất việc xây dựng cơ sở vật chất, nhưng thầy trò nhà trường vẫn tổ chức khai giảng năm học vào tháng 9 - 1960. Giáo viên, học sinh nhà trường ngay từ đầu đã nêu cao tinh thần vượt khó, học nhờ trường cầp II Trần Phú nửa học kỳ 1 năm học đàu tiên (từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1960). Trong năm học đàu tiên trường còn là một trường cầp II, III hợp nhất với 15 lớp (7 lớp cấp II và 8 lớp cầp III).
Đầu tháng 11 - 1960, cơ sở vật chất khu trường mới cơ bản hoàn tất. Đúng ngày kỷ niệm 43 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại, ngày 7-11-1960 thày trò nhà trường trống giong, cờ mở, chuyển về giảng dạy và học tập tại khu trường mới. Ngày 7-11-1960 đối với thế hệ thày giáo và lớp học sinh đầu tiên của nhà trường thật sự là một ngày hội lớn, tràn ngập niềm vui, niềm tự hào được cộng hưởng bởi nhiều nhân tố: trường vinh dự được mang tên Thái Phiên - người con anh hùng đất Quảng Nam đã xả thân cứu nước đầu thế kỷ 20. Năm học đầu tiên của nhà trường cũng là năm thày trò cùng quân dân thành phố triển khai Nghị quyết Đại hôi III của Đảng, thực hiện nhiệm vụ của cuộc cách mạng văn hoá trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Thày, trò được giảng dạy, học tập ở khu trường mới đúng ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga v.v.... Sau đó vài ngày, đoàn đại biểu Hội hữu nghị Việt-Xô do đồng chí Tôn Quang Phiệt - Chủ tịch Hội, dẫn đầu đã về thăm trường. Hoà cùng niềm vui của thầy trò, đoàn đã ghi vào trang đầu quyển sổ vàng truyền thống nhà trường những lời chúc mừng đầy tin tưởng: "Chúng tôi xin chúc tập thể nhà trường cùng toàn thể các đồng chí giáo sư đạt được những thành tích to lớn trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Chúc toàn thể các em học sinh hãy quyết chí nắm vững lấy kiến thức, hãy lớn lên vững vàng, dũng cảm, xứng đáng là thế hệ thay thế thế hệ đàn anh..."